Ấn Độ, tên gọi chính thức là Cộng hòa Ấn Độ, là một quốc gia tại Nam Á. Đây là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích, và đông dân thứ nhì trên thế giới với trên 1,33 tỷ người. Cùng chúng tôi tìm hiểu về bản đồ Ấn Độ qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Vị trí địa lý Ấn Độ
Ấn Độ (tiếng Hindi: भारत, chuyển tự Bhārata, tiếng Anh: India), tên gọi chính thức là Cộng hòa Ấn Độ (tiếng Hindi: भारत गणराज्य, chuyển tự Bhārat Gaṇarājya, tiếng Anh: Republic of India), là một quốc gia tại Nam Á. Đây là quốc gia lớn thứ bảy về diện tích, và đông dân thứ nhì trên thế giới với trên 1,33 tỷ người. Ấn Độ tiếp giáp với Ấn Độ Dương ở phía Nam, biển Ả Rập ở phía Tây – Nam và vịnh Bengal ở phía Đông – Nam; có biên giới trên bộ với Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal, và Bhutan ở phía Đông – Bắc; và Myanmar cùng Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; thêm vào đó, Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.
Địa hình Ấn Độ
Địa hình Ấn Độ đa dạng, bao gồm nhiều miền khí hậu khác biệt từ những dãy núi phủ tuyết cho đến các sa mạc, đồng bằng, rừng mưa nhiệt đới, đồi, và cao nguyên. Ấn Độ bao gồm một phần lớn của tiểu lục địa Ấn Độ nằm trên mảng kiến tạo Ấn Độ, phần phía Bắc của mảng Ấn-Úc. Ấn Độ có bờ biển dài 7.516 km, phần lớn Ấn Độ nằm ở bán đảo Nam Á vươn ra Ấn Độ Dương. Ấn Độ giáp Biển Ả Rập về phía Tây Nam và giáp Vịnh Bengal về phía Đông và Đông Nam. Ấn Độ có diện tích 3.287.263 km², xếp thứ 7 trên thế giới về diện tích, trong đó phần đất liền chiếm 90,44%, diện tích mặt nước chiếm 9,56%. Ấn Độ có biên giới trên đất liền giáp với Bangladesh (4.053 km), Bhutan (605 km), Myanma (1.463 km), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (3.380 km), Nepal (1690 km) và Pakistan (2.912 km). Đỉnh núi cao nhất có độ cao 8.598 m, điểm thấp nhất là Kuttanad với độ cao -2,2 m. Các sông dài nhất là sông Brahmaputra, sông Hằng. Hồ lớn nhất là hồ Chilka.
Vùng đồng bằng Ấn-Hằng phì nhiêu chiếm phần lớn ở phía Bắc, miền Trung và Đông Ấn Độ. Về phía Tây của quốc gia này là sa mạc Thar, một hoang mạc hỗn hợp đá và cát. Biên giới phía Đông và Đông Bắc của quốc gia này là dãy Himalayas. Đỉnh cao nhất ở Ấn Độ là lãnh thổ tranh chấp với Pakistan; theo tuyên bố của Ấn Độ, đỉnh cao nhất (nằm ở khu vực Kashmir là K2, với độ cao 8.611 m. Đỉnh cao nhất ở trong lãnh thổ không tranh chấp của Ấn Độ là Kangchenjunga, với độ cao 8.598 m. Khí hậu Ấn Độ đa dạng từ khí hậu xích đạo ở cực Nam đến Alpine ở khu vực đỉnh Himalayas.
Ấn Độ giáp Pakistan và Afghanistan về phía Tây Bắc. Chính quyền Ấn Độ xem toàn bộ bang Jammu và Kashmir là một phần của Ấn Độ. Bang này giáp một phần của Afghanistan. Trung Quốc, Bhutan và Nepal ở phía Bắc, Myanma về phía Đông và Bangladesh về phía Đông của Tây Bengal. Sri Lanka được tách biệt khỏi Ấn Độ bằng một eo biển hẹp được tạo ra bởi Eo biển Palk và Vịnh Mannar. Về mặt hành chính, Ấn Độ được chia thành 28 bang, và 7 lãnh thổ liên bang được chính quyền liên bang quản lý. Các đơn vị hành chính này được phân chia chủ yếu theo biên giới dân tộc và ngôn ngữ hơn lý do địa lý.
Thủy văn Ấn Độ
Sông Ấn Độ gọi tắt là Sông Ấn (Sindh darya), còn được ghi lại là Sindhu (tiếng Phạn), Sinthos (tiếng Hy Lạp), và Sindus (tiếng Latinh), là con sông chính của Pakistan. Trước năm 1947 khi xảy ra Ấn Hồi phân chia thành hai quốc gia Ấn Độ và Pakistan thì sông Ấn là con sông lớn thứ nhì sau sông Hằng của xứ Ấn Độ ở vùng Nam Á. Con sông này có vai trò quan trọng về mặt văn hóa lẫn thương mại của cả khu vực. Địa danh “Ấn Độ” cũng xuất phát từ tên của con sông này.
Sông Ấn này bắt nguồn từ Tây Tạng, chảy từ dãy núi Himalaya theo hướng Đông nam lên tây bắc qua Kashmir trước khi rẽ về hướng nam, chếch tây nam tây nam sau khi vào địa phận Pakistan. Chiều dài của sông Ấn tùy theo cách đo đạc, dao động từ 2.900 đến 3.200 km.
Sông Ấn là cái nôi của một nền văn minh cổ đại nơi đã sớm xuất hiện những đô thị đầu tiên trên thế giới.
Dòng sông
Thượng nguồn của sông Ấn nằm ở Tây Tạng, bắt đầu ở hợp lưu của hai con sông: sông Sengge và sông Gar, nhận nước từ núi Nganglong Kangri và Gangdise Shan. Sông Ấn sau đó chảy theo hướng đông bắc-tây nam tới Gilgit-Baltistan ở phía nam của dãy núi Karakoram, sau đó dần dần chuyển hướng theo hướng nam, ra khỏi các vùng núi ở đoạn giữa Peshawar và Rawalpindi. Nó bị đắp đập ngăn nước ở khu vực này, tạo ra hồ chứa nước Tarbela. Phần còn lại trên hành trình của nó ra tới biển là các khu vực đồng bằng của Punjab và Sind, và dòng chảy của nó bị chậm đi rất nhiều. Nó nối với sông Panjnad tại Mithankot. Chảy qua Hyderabad, nó kết thúc tại khu vực đồng bằng châu thổ lớn ở phía đông nam Karachi.
Các nhánh sông
Sông Gilgit
Sông Gizar
Sông Hunza
Sông Gumal
Sông Zhob
Sông Kabul
Sông Kunar
Sông Sutlej
Sông Shyok
Sông Beas
Sông Chenab
Sông Jhelum
Sông Ravi
Khí hậu Ấn độ
Khí hậu Ấn Độ biến đổi từ nhiệt đới ở phía nam đến ôn hoà ở phía bắc, các vùng phía bắc có độ cao lớn thường có tuyết rơi trong thời gian dài. Khí hậu Ấn Độ bị ảnh hưởng lớn từ dãy Himalaya và Sa mạc Thar. Núi Himalaya, cùng với dãy núi Hindu Kush ở Pakistan, là một tấm chặn tự nhiên ngăn gió lạnh từ Trung Á thổi đến. Chúng khiến cho đa phần lục địa Ấn Độ ấm hơn hầu hết các nơi khác có cùng vĩ độ. Sa mạc Thar khiến gió mùa tây nam mang theo nhiều hơi ẩm vào trong lục địa Ấn Độ gây ra mưa từ tháng 6 tới tháng 9.
Khí hậu đa dạng chính là lý do khiến Ấn Độ được liệt vào quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới, cả về số loài và số lượng cá thể. Số loài động thực vật ở tiểu lục địa Ấn Độ chỉ đứng thứ hai trên thế giới sau toàn Châu Phi, và có nhiều loài chỉ có mặt tại đây. Ấn Độ hiện là quê hương của hơn 3000 hổ Bengal, 10000 voi Châu Á và khoảng 8000 con bò tót, những loài thú quý hiếm bậc nhất thế giới.
Dân số Ấn độ
Dân số hiện tại của Ấn Độ là 1.374.549.868 người vào ngày 27/11/2019 theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc.
Dân số Ấn Độ hiện chiếm 17,86% dân số thế giới.
Ấn Độ đang đứng thứ 2 trên thế giới trong bảng xếp hạng dân số các nước và vùng lãnh thổ.
Mật độ dân số của Ấn Độ là 462 người/km2.
Với tổng diện tích đất là 2.972.892 km2. 34,03% dân số sống ở thành thị (460.779.764 người vào năm 2018).
Độ tuổi trung bình ở Ấn Độ là 27 tuổi.
Dân số Ấn Độ (năm 2019 và lịch sử)
Trong năm 2019, dân số của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 14.685.659 người và đạt 1.375.908.601 người vào đầu năm 2020. Gia tăng dân số tự nhiên được dự báo là dương, vì số lượng sinh sẽ nhiều hơn số người chết đến 15.080.254 người. Nếu tình trạng di cư vẫn ở mức độ như năm trước, dân số sẽ giảm -394.595 người. Điều đó có nghĩa là số người chuyển đến Ấn Độ để định cư sẽ ít hơn so với số người rời khỏi đất nước này để định cư ở một nước khác.
Theo ước tính của chúng tôi, tỷ lệ thay đổi dân số hàng ngày của Ấn Độ vào năm 2019 sẽ như sau:
68.871 trẻ em được sinh ra trung bình mỗi ngày
27.555 người chết trung bình mỗi ngày
-1.081 người di cư trung bình mỗi ngày
Dân số Ấn Độ sẽ tăng trung bình 40.235 người mỗi ngày trong năm 2019.
Nhân khẩu Ấn Độ 2018
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, dân số Ấn Độ ước tính là 1.361.455.036 người, tăng 14.871.727 người so với dân số 1.346.677.107 người năm trước. Năm 2018, tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên là dương vì số người sinh nhiều hơn số người chết đến 15.318.755 người. Do tình trạng di cư dân số giảm -447.028 người. Tỷ lệ giới tính trong tổng dân số là 1,076 (1.076 nam trên 1.000 nữ) cao hơn tỷ lệ giới tính toàn cầu. Tỷ lệ giới tính toàn cầu trên thế giới năm 2018 khoảng 1.017 nam trên 1.000 nữ.
Dưới đây là những số liệu chính về dân số ở Ấn Độ trong năm 2018:
25.224.048 trẻ được sinh ra
9.905.294 người chết
Gia tăng dân số tự nhiên: 15.318.755 người
Di cư: -447.028 người
705.648.179 nam giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018
655.806.857 nữ giới tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018
Kinh tế Ấn Độ
Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, năm 2017, GDP danh nghĩa của Ấn Độ là 2,611.012 tỷ USD (đứng thứ 6 trên thế giới, đứng thứ 3 châu Á sau Trung Quốc và Nhật Bản) và có GDP theo sức mua tương đương là 9.446 tỷ đô la Mỹ. Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 5,8% mỗi năm trong hai thập niên qua, và đạt khoảng 7% trong giai đoạn 2012–17, Ấn Độ là một trong các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ đều xếp hạng trên 100 thế giới về GDP danh nghĩa bình quân đầu người và GDP PPP bình quân đầu người.Cho đến năm 1991, tất cả các chính phủ Ấn Độ đều theo chính sách bảo hộ do chịu ảnh hưởng từ các nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sự can thiệp và sắp đặt của nhà nước là phổ biến, tạo nên một bức tường lớn ngăn cách kinh tế Ấn Độ với thế giới bên ngoài. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc về cán cân thanh toán vào năm 1991 buộc đất nước phải tự do hóa nền kinh tế; kể từ đó Ấn Độ chuyển đổi chậm hướng về một hệ thống thị trường tự do với việc nhấn mạnh cả ngoại thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Mô hình nền kinh tế Ấn Độ trong thời gian gần đây phần lớn là tư bản chủ nghĩa. Ấn Độ trở thành mt thành viên của WTO từ ngày 1 tháng 1 năm 1995.
Ấn Độ có lực lượng lao động gồm 521,9 triệu người theo số liệu năm 2017. Lĩnh vực dịch vụ chiếm 46,6% GDP, lĩnh vực công nghiệp chiếm 28,9% và lĩnh vực nông nghiệp chiếm 16,8%. Các nông sản chính của Ấn Độ là lúa gạo, lúa mì, hạt có dầu, bông, đay, chè, mía, và khoai tây. Các ngành công nghiệp chính của Ấn Độ là dệt, viễn thông, hóa chất, dược phẩm, công nghệ sinh học, chế biến thực phẩm, thép, thiết bị vận tải, xi măng, khai mỏ, dầu mỏ, máy móc, và phần mềm. Năm 2008, Ấn Độ chiếm 1,68% giá trị ngoại thương toàn cầu;Năm 2011, Ấn Độ là nước nhập khẩu lớn thứ 10 và nước xuất khẩu lớn thứ 19 trên thế giới. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Ấn Độ bao gồm các sản phẩm dầu mỏ, hàng dệt may, đồ kim hoàn, phần mềm, sản phẩm công nghệ, hóa chất, và gia công đồ da thuộc. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu, máy móc, ngọc, đá quý, phân bón, và hóa chất.Từ năm 2001 đến năm 2011, đóng góp của các mặt hàng hóa dầu và công nghệ vào giá trị xuất khẩu tăng từ 14% lên 42%.
Mức lương theo giờ tại Ấn Độ tăng gấp đôi trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Khoảng 431 triệu người Ấn Độ thoát nghèo kể từ năm 1985; các tầng lớp trung lưu của Ấn Độ được dự tính sẽ đạt khoảng 580 triệu người vào năm 2030.
Năm 2010, Ấn Độ xếp hạng 51 về năng lực cạnh tranh toàn cầu, xếp hạng 7 về trình độ phát triển của thị trường tài chính, xếp hạng 24 về lĩnh vực ngân hàng, xếp hạng 44 về trình độ phát triển trong kinh doanh và xếp thứ 39 về cách tân, đứng trước một số nền kinh tế tiến bộ. Năm 2009, 7 trong số 15 công ty gia công phần mềm hàng đầu thế giới đặt tại Ấn Độ, do vậy đất nước này được nhìn nhận là nơi gia công phần mềm thuận lợi nhất đối với các nước phát triển. Thị trường tiêu dùng của Ấn Độ hiện lớn thứ 11 thế giới, và dự kiến sẽ lên vị trí thứ 5 vào năm 2030. Đến cuối năm 2017, Ấn Độ có 1.127 tỷ thuê bao điện thoại, là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc.
Ngành công nghiệp ô tô của Ấn Độ tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới, doanh số bán hàng nội địa tăng 26% trong giai đoạn 2009–10, và doanh số xuất khẩu tăng 36% trong giai đoạn 2008–09. Công suất điện năng của Ấn Độ là 250 GW, trong đó 8% là năng lượng tái tạo. Đến cuối năm 2011, ngành công nghiệp công nghệ thông tin của Ấn Độ tạo việc làm cho 2,8 triệu chuyên viên, tạo ra doanh thu gần 100 tỷ đô la Mỹ, tức bằng 7,5% GDP của Ấn Độ và đóng góp 26% kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ.
Ngành công nghiệp dược phẩm của Ấn Độ nằm trong số các thị trường mới nổi quan trọng của công nghiệp dược phẩm thế giới. Thị trường dược phẩm Ấn Độ dự kiến đạt doanh thu 48,58 tỷ đô la Mỹ vào năm 2020. Ấn Độ chiếm 60% thị phần ngành công nghiệp sinh dược phẩm.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong các thập niên gần đây, Ấn Độ tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về kinh tế-xã hội. Ấn Độ là nơi có số lượng người nhiều nhất sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 đô la Mỹ/ngày) của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này giảm từ 60% năm 1981 xuống 42% năm 2005. 48% số trẻ em Ấn Độ dưới 5 tuổi bị thiếu cân, một nửa số trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng mãn tính, và tại các bang Madhya Pradesh, Andhra Pradesh, Bihar, Chhattisgarh, Haryana, Jharkhand, Karnataka, và Uttar Pradesh, chiếm 50,04% dân số Ấn Độ, 70% số trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng bị thiếu máu. Kể từ năm 1991, bất bình đẳng kinh tế giữa các bang của Ấn Độ liên tục phát triển: sản phẩm nội địa ròng bình quân đầu người cấp bang của các bang giàu nhất vào năm 2007 gấp 3,2 lần so với các bang nghèo nhất. Tham nhũng tại Ấn Độ được cho là gia tăng đáng kể. Nhờ tăng trưởng mà GDP danh nghĩa bình quân đầu người của Ấn Độ tăng lên nhanh chóng kể từ năm 1991, tuy nhiên nó luôn ở mức thấp hơn so với các quốc gia đang phát triển khác tại châu Á như Indonesia, Iran, Malaysia, Philippines, Sri Lanka, hay Thái Lan, và được dự báo sẽ vẫn tiếp tục như vậy trong tương lai gần. Thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2017 là 1.939,61 USD xếp hạng 140 trên thế giới. Đây là mức thấp không tương xứng với tiềm năng của Ấn Độ nên quốc gia này được xem là người khổng lồ ngủ quên.
Hành chính Ấn Độ
Ấn Độ được xem là nền dân chủ đông dân nhất trên thế giới. Đây là một nước cộng hòa nghị viện với một hệ thống đa đảng, có sáu chính đảng cấp quốc gia được công nhận, bao gồm Đảng Quốc đại Ấn Độ và Đảng Bharatiya Janata (Đảng Nhân dân Ấn Độ), và trên 40 chính đảng cấp địa phương. Đảng Quốc đại được nhận định là có tư tưởng trung-tả hay là “tự do” trong văn hóa chính trị Ấn Độ, còn Đảng Bharatiya Janata có tư tưởng trung-hữu hay là “bảo thủ”. Trong hầu hết giai đoạn từ 1950 — tức khi Ấn Độ lần đầu tiên trở thành một nước cộng hòa — đến cuối thập niên 1980, Đảng Quốc đại nắm giữ đa số ghế trong Quốc hội. Tuy nhiên, kể từ đó, Đảng Quốc đại ngày càng chia sẻ nhiều hơn vũ đài chính trị với Đảng Bharatiya Janata, cũng như với các chính đảng cấp địa phương mạnh khác trong các một liên minh đa đảng.
Trong ba cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại nước Cộng hòa Ấn Độ, tức vào các năm 1951, 1957, và 1962, Đảng Quốc đại do Jawaharlal Nehru lãnh đạo đã dễ dàng giành chiến thắng. Khi Jawaharlal Nehru qua đời vào năm 1964, Lal Bahadur Shastri trở thành thủ tướng trong một thời gian ngắn; người kế vị sau khi Lal Bahadur Shastri qua đời năm 1966 là Indira Gandhi, người này lãnh đạo Đảng Quốc đại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1967 và 1971. Sau khi quần chúng bất mãn vì tình trạng khẩn cấp mà bà tuyên bố vào năm 1975, Đảng Quốc đại thất cử vào năm 1977; đa số cử tri khi đó bỏ phiếu cho Đảng Janata mới thành lập và phản đối tình trạng khẩn cấp. Chính phủ của Đảng Janata kéo dài hơn ba năm. Đảng Quốc đại lại được bầu lên nắm quyền vào năm 1980, và trải qua thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo vào năm 1984 khi Indira Gandhi bị ám sát; kế nhiệm bà là người con trai Rajiv Gandhi, người này dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử cùng năm đó. Đảng Quốc đại lại thất cử vào năm 1989 trước một liên minh Mặt trận Quốc gia, lãnh đạo liên minh này là Đảng Janata Dal mới thành lập và liên minh với Mặt trận Cánh tả; chính phủ của liên minh này tồn tại chưa đầy hai năm. Các cuộc bầu cử lại được tổ chức vào năm 1991; lần này không đảng nào giành được đa số tuyệt đối. Tuy nhiên, Đảng Quốc đại có thể thành lập nên một chính phủ thiểu số do P. V. Narasimha Rao lãnh đạo với địa vị là đảng đơn lẻ lớn nhất.
Sau cuộc tổng tuyển cử năm 1996 là hai năm bất ổn chính trị, một vài liên minh đoản mệnh chia sẻ quyền lực. ảng Bharatiya Janata lập nên một chính phủ tồn tại một thời gian ngắn trong năm 1996; sau đó là hai chính phủ do liên minh Mặt trận Thống nhất thành lập. Năm 1998, Đảng Bharatiya Janata có thể thành lập nên một liên minh thắng lợi là Liên minh Dân chủ Quốc gia do Atal Bihari Vajpayee lãnh đạo. Chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia trở thành chính phủ phi Quốc đại, chính phủ liên minh đầu tiên hoàn tất nhiệm kỳ 5 năm. Trong cuộc tổng tuyển cử năm 2004, một lần nữa không có đảng nào giành đa số tuyệt đối, song lần này Đảng Quốc đại nổi lên với địa vị là đảng đơn lẻ lớn nhất, họ thành lập một liên minh thắng lợi là Liên minh Cấp tiến Quốc gia (UPA). Liên minh nhận được sự ủng hộ của các đảng tả khuynh và các thành viên quốc hội phản đối Đảng Bharatiya Janata. Liên minh Cấp tiến Quốc gia trở lại nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử năm 2009 với số ghế cao hơn, và không còn cần phải có sự ủng hộ từ các đảng cộng sản tại Ấn Độ. Năm đó, Manmohan Singh trở thành thủ tướng đầu tiên được tái cử cho một nhiệm kỳ 5 năm liên tiếp kể từ thời Jawaharlal Nehru. Trong tổng tuyển cử năm 2014, đảng Bharatiya Janata trở thành chính đảng đầu tiên kể từ năm 1984 giành được đa số ghế và có thể cầm quyền mà không cần sự ủng hộ từ các chính đảng khác.
Tài nguyên thiên nhiên Ấn Độ
Than đá (trữ lượng đứng thứ tư thế giới), sắt, mangan, mica, bôxit, titan, crôm, khí tự nhiên, kim cương, dầu mỏ, đá vôi.
Ấn Độ nằm trong vùng sinh thái Indomalaya và gồm có ba điểm nóng đa dạng sinh học. Ấn Độ là một trong 17 quốc gia đa dạng sinh vật siêu cấp, có 8,6% tổng số loài thú, 13,7% tổng số loài chim, 7,9% tổng số loài bò sát, 6% tổng số loài lưỡng cư, 12,2% tổng số loài cá, và 6,0% tổng số loài thực vật có hoa. Ấn Độ có nhiều loài đặc hữu, chiếm tỷ lệ 33%, và nằm tại các vùng sinh thái như rừng shola. Môi trường sống trải dài từ rừng mưa nhiệt đới của quần đảo Andaman, Ghat Tây, và Đông Bắc đến rừng tùng bách trên dãy Himalaya. Giữa chúng là rừng sala sớm rụng ẩm ở đông bộ Ấn Độ; rừng tếch sớm rụng khô ở trung bộ và nam bộ Ấn Độ; và rừng gai do keo Ả Rập thống trị nằm ở trung bộ Deccan và tây bộ đồng bằng sông Hằng. Dưới 12% đất đai của Ấn Độ có rừng rậm bao phủ. Sầu đâu là một loài cây quan trọng tại Ấn Độ, được sử dụng rộng rãi trong thảo dược nông thôn Ấn Độ. Cây đề xuất hiện trên các ấn ở di chỉ Mohenjo-daro, Đức Phật giác ngộ dưới gốc của loài cây này.
Nhiều loài tại Ấn Độ bắt nguồn từ các taxon có nguồn gốc từ Gondwana- nơi mà mảng Ấn Độ tách ra từ hơn 106 triệu năm trước. Ấn Độ bán đảo sau đó di chuyển đến và va chạm với siêu lục địa Laurasia và khởi đầu sự trao đổi loài trên quy mô lớn. Việc khởi đầu kỷ nguyên núi lửa và thay đổi khí hậu vào 20 triệu năm trước dẫn đến tuyệt chủng hàng loạt. Các loài thú sau đó tiến vào Ấn Độ từ châu Á thông qua hai hành lang động vật địa lý học đi vòng qua sườn dãy Himalaya đang nổi lên. Do đó, trong khi 45,8% số loài bò sát và 55,8% số loài lưỡng cư là đặc hữu, thì chỉ có 12,6% số loài thú và 4,5% số loài chim là đặc hữu. Ấn Độ có 172 loài động vật bị đe dọa theo chỉ định của IUCN, hay 2,9% số loài gặp nguy hiểm.
Việc loài người tràn ngập và tàn phá sinh thái trong những thập niên gần dây khiến các loài hoang dã gặp nguy hiểm cực kỳ lớn. Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn khởi đầu từ năm 1935, và sau đó được mở rộng về căn bản. Năm 1972, Ấn Độ ban hành Luật bảo vệ loài hoang dã và Dự án Hổ để bảo vệ những vùng hoang vu cốt yếu; Đạo luật Bảo tồn rừng được ban hành vào năm 1980 và sửa đổi bổ sung vào năm 1988. Ấn Độ có hơn 500 khu bảo tồn loài hoang dã và 13 khu dự trữ sinh quyển, bốn trong số đó là một phần của Hệ thống khu dự trữ sinh quyển thế giới; 25 khu đất ngập nước được đăng ký nằm dưới Công ước Ramsar.
Trên đây là những thông tin liên quan đến bản đồ Ấn Độ do 350.org.vn tổng hợp và chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin hay và tìm kiếm được thông tin cần thiết liên quan đến bản đồ Ấn Độ bạn nhé!