Về thăm Di tích Lịch sử – Văn hóa đền Mỏ Thổ (xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) vào một buổi chiều tháng 6, cơn mưa rào bất chợt làm cho không khí trở nên mát dịu và trong lành đến lạ. Ngỡ ngàng hơn khi tại đây chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng dáng vóc cây lim xanh 700 tuổi đời, một loài cây vô cùng quý hiếm.
Cây lim xanh cổ thụ 700 năm tuổi trong khuôn viên đền Mỏ Thổ
Lim xanh (tên khoa học Erythrophloeum fordii) là cây gỗ lớn, thân thẳng, tròn, gốc có bạnh nhỏ, vỏ màu nâu, cành non mầu xanh lục là thực vật rừng thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA (thực vật rừng hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại) theo quy định của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý động vật rừng, thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Đền Mỏ Thổ may mắn sở hữu lim xanh như một loài cây thiêng gắn liền với nhiều sự tích bí ẩn .
Quan sát bằng mắt thường có thể nhận thấy lim xanh ở đền Mỏ Thổ thuộc vào hàng đại cổ thụ, chiều cao vút ngọn gần 30 m, đường kính gốc cây khoảng 5 đến 6 người ôm; thân, rễ cây xù xì, cổ kính, phần rễ nổi hẳn lên mặt đất như lưng rồng ẩn, hiện. Đặc biệt, ngay bên cạnh có cây lim xanh thứ hai mọc chồi từ rễ cây lim xanh cổ thụ, đường kính gốc khoảng 02 người ôm, tạo thành thế tình mẫu tử rất sinh động, linh thiêng và huyền bí. Cây lim xanh này có ở đền từ bao giờ thì không ai biết rõ. Mọi người chỉ biết đến đền Mỏ Thổ là ngôi đền thờ Cao Sơn Quý Minh Thượng Đẳng Thần, theo sắc phong của Vua Tự Đức năm 1850. Năm 2009, đền Mỏ Thổ đã được xếp hạng Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm, thu hút hàng trăm lượt khách trong và ngoài tỉnh tới du lịch Tâm linh – Sinh thái, du lịch trải nghiệm và đông khách nhất là vào dịp hội làng, ngày mùng 08 tháng giêng.
Theo như lời kể của ông Nguyễn Vũ Mỵ, Ban quản lý di tích thì cây lim xanh mà đền đang sở hữu trong khuôn viên vốn không phải là cây cổ kính nhất. Xưa kia, trước đền vốn dĩ còn có cây lim xanh cổ, to hơn cây hiện tại, khoảng trên 800 năm tuổi. Tiếc rằng, năm 2010 có cơn bão to ập tới, do cây bị rỗng ruột, không chống lại được sức gió quá to nên cây bị đổ. Nay dấu tích của gốc cây, cùng với gỗ vẫn được bảo quản ngay tại sân đền. Với những bậc cao niên sống lâu năm ở Minh Đức, từ khi sinh ra họ đã thấy cây lim xanh sừng sững uy nghi to lớn như hiện nay. Và nhiều câu chuyện thiêng xung quanh loài cây này cũng được mọi người truyền tai nhau rằng, một số người lấy một đoạn cành, hay rễ của cây lim xanh trong đền về sử dụng, sau đó gia đình liên tiếp gặp tai ương, kinh tế khốn đốn, hoạn nạn liên miên, phải mang đồ vật đó đến đền trả, rồi làm lễ bái tạ mới yên ổn…
Cũng theo các cụ bô lão trong vùng, địa bàn núi Mỏ Thổ xưa kia là rừng nguyên sinh, cây rừng rậm rạp, um tùm, là nơi đã từng diễn ra nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa nghĩa quân của cuộc khởi nghĩa Yên Thế với thực dân Pháp xâm lược; sau này những loạt bom của đế quốc Mỹ trút xuống dữ rội làm vùng núi Mỏ Thổ tan hoang nhưng cây lim xanh vẫn bình yên, xanh tốt.
Nhận thấy rõ tiềm năng, phát triển du lịch bền vững, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cũng như nguyện vọng của nhân dân; Đảng bộ, chính quyền địa phương đã lập hồ sơ khoa học cây lim xanh tại đền Mỏ Thổ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét để công nhận là Cây di sản Việt Nam. Sau khi xem xét, thẩm định, ngày 04/02/2016, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã xét duyệt và công nhận cây lim xanh hơn 700 tuổi tại đền Mỏ Thổ là Cây di sản Việt Nam. Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá đây là một trong số ít cây lim xanh cổ thụ tại vùng trung du Bắc Bộ, là cây hội tụ đầy đủ các điều kiện để được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cũng như để ghi nhận những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương từ đời này sang đời khác, xuyên suốt bao thế kỷ đã giữ gìn, bảo vệ cây mới có được như ngày hôm nay.
Núi Mỏ Thổ cách thị trấn Bích Động khoảng 4 cây số, là ngọn núi cao nhất của huyện Việt Yên, cao 160 m so với mực nước biển. Có tổng diện tích rừng trồng phòng hộ trên 100 ha, với chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường, sinh thái. Đứng trên núi Mỏ Thổ có thể quan sát vùng đất rộng lớn thuộc các huyện Tân Yên, Việt Yên và Hiệp Hòa. Nơi đây, có nhiều tiềm năng, giá trị về văn hóa tâm linh, lịch sử và du lịch sinh thái. Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, đồng thời tiếp tục khôi phục, bảo tồn khu di tích, đặc biệt là bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường, sinh thái hiện có, nhằm thu hút khách thập phương tới tham quan, du lịch Tâm linh – Sinh thái, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội tại địa phương phát triển.
Dương Đại Tiến