Cây mai chiếu thủy là cây cảnh phong thủy đại diện cho sự bền vững và ổn định gia tài của gia chủ nên thường được trồng trong chậu hoặc trang trí sân vườn, đặt ở sảnh, bàn trà, bàn làm việc hay ban công và sân thượng. Cây mai chiếu thủy được nhiều người lựa chọn làm quà biếu vào các ngày lễ tết, các dịp khai trương cửa hàng vì những ý nghĩa mà nó đem lại.
1. Đôi nét về cây mai chiếu thủy
– Cây mai chiếu thủy hay cây mai chiếu thổ có tên khoa học: Wrightia religiosa, là giống cây gỗ, thân xù xì, nhiều cành nhánh nhỏ dễ uốn nắn và cắt tỉa. Chúng ra hoa màu trắng, nở hoa quanh năm, có mùi thơm nhè nhẹ dễ chịu. Cây mai chiếu thủy là cây thân gỗ lâu năm, lá hình trái xoan, hoa nở từng chùm màu trắng. Hoa mai chiếu thủy không hướng lên trên mà hướng xuống đất, hoa có mùi thơm thoảng nhẹ. Hoa có 5 cánh nhìn thoáng qua giống hoa mai, nên có tên gọi là mai. Hoa mai chiếu thủy nở luôn luôn hướng xuống phía mặt đất, nên gọi là chiếu thổ, chiếu thủy.
– Cây mai chiếu thủy hợp mệnh gì? Nhiều người thường thắc mắc rằng mai chiếu thủy hợp mệnh gì khi trồng sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc. Theo phong thủy, những gia chủ có mệnh Mộc hoặc mệnh Thủy là những người thích hợp nhất với loại cây này. Mai chiếu thủy hợp với người mệnh Mộc vì Mộc – Mộc tương sinh giúp gia chủ thuận buồm xuôi gió và giữ vững tài lộc quanh năm như chính những bông hoa mai trắng vậy. Mai chiếu thủy hợp với mệnh Thủy. Lúc này Thủy sinh Mộc và Mộc dưỡng Thủy giúp gia chủ gặp được bình an cát tường.
– Với câu hỏi “cây mai chiếu thủy có trồng trong nhà được không?” thì câu trả lời là hoàn toàn có thể bởi cây mai chiếu thủy từ lâu đã được biết đến là sự biểu trưng cho sự ổn định về gia tài. Tức là cây mai chiếu thủy là hiện thân của sự bền vững trong mọi phương diện của cuộc sống. Ví dụ như cây mai chiếu thủy góp phần giúp cho sức khỏe của gia chủ luôn được ổn định, không bị ốm đau, bệnh tật nhờ vậy mà gia chủ có thể yên tâm làm kinh tế. Theo ý nghĩa phong thủy, cây mai chiếu thủy có khả năng trấn yểm được vượng khí trong nhà, trấn giữ long mạch giúp ngôi nhà luôn duy trì được vượng khí tốt nhất, giúp gia chủ phát triển về mọi mặt. Gia đình sở hữu cây mai chiếu thủy sẽ luôn yên ấm, yên bình trong nhà không xảy ra xung đột nội bộ, luôn hòa thuận, yên vui.
2. Các loại cây mai chiếu thủy
Có ba loại mai chiếu thủy: mai chiếu thủy lá nhỏ (mai chiếu thủy lá kim), mai chiếu thủy lá trung và mai chiếu thủy lá lớn. Dòng lá nhỏ thường được các nghệ nhân uốn tạo hình độc lạ thành mai chiếu thủy lá kim đế đẹp. Trong khi đó, dòng mai lá lớn thường là mai thế, càng lâu năm càng có giá trị kinh tế. Loài mai này có thể nhân giống từ hạt hoặc chiết cành. Chúng không chỉ đẹp, dễ tạo dáng mà không quá cầu kỳ công chăm sóc. Mai chiếu thủy chỉ cần tưới nước hàng ngày và đặt cây ở nơi có ánh sáng dịu.
Tùy vào dáng, thế và tuổi đời mà các cây mai chiếu thủy đẹp có giá từ 4 – 10 triệu đồng. Tuy nhiên, với những người chơi cây cảnh, giá cây rất khó định đoán vì đó là cả tâm huyết chăm sóc và niềm đam mê của các nghệ nhân dành cho tác phẩm của mình.
Mai chiếu thủy bonsai được ưa thích bởi những gốc mai uy nghiêm, tán rộng và hoa trắng điểm xuyến. Cây bonsai mai chiếu thủy có nhiều giống cây khác nhau, thường được trồng làm cây trang trí sân nhà hoặc với thế cây mai chiếu thủy đa dạng có thể được dùng để trang trí sảnh, sân vườn… Ngoài ra, để thuận tiện trong việc đặt cây trang trí trong phòng, trên bàn làm việc thì mai chiếu thủy mini cũng rất được giới chơi cây cảnh ưa chuộng.
3. Cách trồng và chăm sóc mai chiếu thủy
Là loại cây có khả năng sinh trưởng mạnh mẽ phát triển được ở hầu hết các điều kiện khắc nghiệt từ khô hạn tới ngập úng, tuy nhiên mai chiếu thủy ưa sáng và bóng râm một phần chính vì thế nó được trồng ở cả ba miền của nước ta.
– Đất trồng: Loài cây này có sức sống mạnh mẽ sinh trưởng tốt trên các loại đất thịt, đất phù sa, đất sẽ thậm chí đất đỏ vẫn trồng được. Vì thế người ta có thể trồng mai chiếu thủy trong chậu với một ít đất tuy nhiên cây vẫn sinh trưởng tốt nên được sử dụng nhiều làm bonsai.
– Nhiệt độ: Nhiệt độ thích hợp từ 25 – 30 độ C rất phù hợp với các vùng có khí hậu hai mùa mưa nắng rõ rệt, mùa mưa cây sẽ đâm chồi nảy lộc mạnh mẽ, mùa nắng sẽ thay lá trổ hoa và phát triển chậm hơn. Độ PH đất trồng mai chiếu thủy từ 5,5 – 6,5 có thể bón phân chuồng, lân, kali… ít cần phân đạm.
– Ngừa sâu bệnh: Người chơi cây kiểng bonsai mai chiếu thủy khó trị nhất là cây mai chiếu thủy bị vàng lá. Vậy để giải quyết vấn đề mai chiếu thuỷ bị vàng lá phải làm như thế nào? Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này:
+ Cây thiếu phân: Do cây mai chiếu thủy bonsai đa số được trồng chậu nên chuyện thiếu dinh dưỡng là không tránh khỏi.
+ Cây quá thừa phân – bị ngộ độc phân: Do mỗi lần chúng ta thấy vàng chúng ta lại nghĩ thiếu phân, nên bón thêm phân, cứ thế cây bị ngộ độc. Hoặc bón phân không đúng cách gây tổn hại cho cây, sau đó vàng lá hoài trị không hết.
+ Cây thiếu nước: Chúng ta tưới không đủ nước. Có trường hợp chúng ta tưới đều đặn mỗi ngày nhưng do chất trồng không đúng nên tưới khó thấm nước nên tưới nhưng đất trong chậu vẫn khô, chỉ ướt trên mặt.
+ Cây thừa nước: Chúng ta trồng sai kĩ thuật chậu bị ngợp nước hoặc chất trồng giữ ấm quá tốt, không thoát nước tốt. Dẫn đến thừa nước, cây sẽ hư rễ, dẫn đến vàng lá dần.
+ Cây đã ăn hết đất: Thường cây mai chiếu thủy kiểng của chúng ta đang sung tốt, rồi chuyển dần sang vàng lá. Đây cũng là nguyên nhân thường gặp. Vì cây mai chiếu thủy rễ ra rất nhanh, cây phát triển nhanh nên ăn mau hết đất. Trong chậu còn lại rễ nhiều hơn đất.
+ Cây bị mất cân đối dinh dưỡng
Vì vậy, để trị vàng lá cho mai chiếu thủy chúng ta cần kiểm tra lại chậu cây của mình rồi giải quyết đúng vấn đề.