Lễ hội Hoa Lư là một lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm để tôn vinh vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt và mở đầu thời kỳ độc lập, thống nhất lâu dài của người Việt suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần.
Lịch sử của Lễ Hội Hoa Lư
Theo sử sách, từ khi Kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô, thì Lễ hội Hoa Lư ở đều được các Vương triều phong kiến Việt Nam coi như một Lễ trọng, một Quốc lễ. Đến ngày diễn ra Lễ hội ở Trường Yên, triều đình Thăng Long, hay triều đình Huế, đều cử các vị quan đại thần về Cố đô Hoa Lư tham dự và làm chủ tế.
Dưới triều Nguyễn, việc tế lễ Đức vua Đinh Tiên Hoàng trong Lễ hội Hoa Lư càng được triều đình Huế hết sức coi trọng. Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì hàng năm triều đình Nguyễn tổ chức đại lễ, tế miếu Đế vương các đời, trong đó có 4 vị được xem là đặc biệt quan trọng: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương và Đinh Tiên Hoàng. Ngoài việc triều đình Huế cử vị quan đại thần về Trường Yên tế lễ, từ năm 1823, vua Minh Mệnh còn cho dựng miếu Đức vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, kinh đô Huế. Tại đây, hàng năm hai kỳ tế Xuân Thu, thường thường vua Minh Mệnh trực tiếp đến tế, lễ Đức vua Đinh Tiên Hoàng, lễ vật gồm có: cỗ Thái Lao (tức Tam sinh: trâu, dê, lợn), xôi và hoa quả… Từ đó trở đi, triều đình quy định việc tế miếu Đinh Tiên Hoàng sẽ được cử hành hàng năm vào hai kỳ Xuân-Thu để “ngưỡng trông công đức thời trước, phải nên cử hành lễ trọng thể, để giãi tỏ tấm lòng thành kính” của triều đình.
Để có được lễ hội Hoa Lư như hiện nay là cả một quá trình, mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả những truyền thuyết dân gian. Lễ hội Hoa Lư là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc.
Giá trị độc đáo của lễ hội Hoa Lư Ninh Bình
Ngay từ khi mới ra đời, lễ hội Trường Yên (lễ hội Hoa Lư) đã mang đậm những nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Những giá trị truyền thống này vẫn được người dân Hoa Lư giữ gìn và duy trì đến tận ngày nay. Điều này thể hiện qua những phần lễ hội linh thiêng và đậm sắc màu dân tộc.
Lễ hội Hoa Lư được chia làm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ bao gồm lễ mở cửa đền, lễ rước nước, lễ dâng hương, lễ rước lửa, Lễ mộc dục, lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu và lễ hội hoa đăng.
Phần lễ được mở đầu bằng lễ mở cửa đền trước ngày diễn ra lễ hội 1 ngày. Phần lễ mở cửa đền được diễn ra ở 2 đền Vua Đinh Tiên Hoàng và đền Vua Lê Đại Hành. Đồng thời, lễ xin thần linh và hai vị vua phù hộ cho lễ hội được tổ chức thành công tốt đẹp. Những người thực hiện nghi lễ này đều các các bậc trưởng lão của làng, am hiểu về lễ tế. Khi tế lễ trang phục cũng chỉn chu quần trắng, áo the, khăn xếp.
Cái tên lễ mộc dục được gọi cho phần lễ tắm tượng thần. Lễ này thường được tiến hành vào nửa đêm hôm trước ngày khai hội. Sau khi làm lễ cáo thần, người dân làm thực hiện việc tắm tượng. Lễ mộc dục chuẩn bị đầy đủ áo, mũ cho các tượng thần để chuẩn bị cho đám rước thần vào ngày khai hội.
Lễ rước nước sẽ diễn ra vào sáng ngày 8/3 âm lịch, là nghi lễ mở đầu cho ngày khai hội. Hoạt động rước nước được sự có mặt của nhiều người dân tham gia, cùng hướng về nguồn cội của dân tộc.
Lễ rước lửa là nghi thức thực hiện ở 2 đền thờ vua Đinh như một sự kết nối giữa nơi sinh ra, quá trình trưởng thành, hoàn thành sứ mệnh đất nước và kết thúc tại nơi ông lên ngôi Hoàng Đế. Ngọn lửa thiêng được thắp sáng và rước từ đền thờ Đinh Bộ Lĩnh (Gia Viễn, Ninh Bình) đến đền Vua Đinh Tiên Hoàng (Trường Yên, Hoa Lư). Lễ dâng hương diễn ra để cho dân chúng trăm họ trở về kính lễ với đức tiên đế.
Các lễ khác của phần Lễ: Lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, lễ hội hoa đăng đều diễn ra với không gian hết sức trang trọng, thể hiện tấm lòng biết ơn, tưởng niệm của nhân dân.
Phần hội của lễ hội Hoa Lư được diễn ra với đa dạng các trò chơi dân gian đặc sắc: tập trận, đua thuyền, múa gậy, thi hát chèo,… Một số trò chơi hội đặc trưng và tiêu biểu của lễ hội Hoa Lư có thể kể đến như:
– Khai mạc lễ hội: màn diễn sân khấu đương đại để khai mạc phần lễ hội Hoa Lư, đều được truyền hình trực tiếp. Sau phần giới thiệu, diễn văn khai mạc và phát biểu là màn trống hội Hoa Lư. Các màn biểu diễn nhàm tái hiện lại những mốc sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: sự kiện lên ngôi của các vị hoàng đế, đánh thắng giặc Tống, dời đô về Thăng Long,…
– Cờ lau tập trận: Như một trò chơi tái diễn ra những buổi tập dượt, rèn luyện của vua Đinh tuổi niên thiếu. Trò chơi có sự tham gia của 60 em thiếu niên 13-15 tuổi. Lựa chọn một em khôi ngô nhất đóng Đinh Bộ Lĩnh và các em còn lại sẽ là thành phần của 3 quân. Hội diễn thể hiện ý chí của vị anh hùng họ Đinh và ba quân.
– Xếp chữ Thái Bình: Tham gia màn diễn này gồm có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, dựa theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Từng hàng, từng hàng sẽ lần lượt kéo các chữ để tạo nên chữ “Thái Bình”. Phần biểu diễn cùng hình ảnh chữ “Thái Bình” nổi bật sau khi hạ cờ mang ý nghĩa tưởng nhớ đến niên hiệu mà vua Đinh Tiên Hoàng đặt khi lên ngôi.
Trải qua thời gian hơn 1.050 năm, Lễ hội Hoa Lư đã gắn liền và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Ninh Bình. Những giá trị truyền thống vẫn vẹn nguyên truyền từ đời này đến đời sau như sự tiếp nối của dòng chảy lịch sử. Người dân Ninh Bình nói riêng và người dân Việt Nam nói chung vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc.
Trên đây là những thông tin liên quan đến sự kiện Lễ Hội Hoa Lư do 350.org.vn đã tổng hợp được. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ có thêm những thông tin cần thiết về Lễ Hội Hoa Lư và đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật những tin tức hay và bổ ích mỗi ngày nhé!