Cây Vả hay còn gọi là cây Sung Mỹ, Sung tai voi, Sung lá rộng, cây Vả có tên khoa học là Ficus auriculata thuộc họ Dâu tằm(Moraceae).Cây Vả có nguồn gốc Hymalaya, miền nam Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Viet Nam, hiện nay cây Vả được trồng phổ biến làm cây cảnh sân vườn hay trồng để hái trái dùng như một loại rau sạch có vị chát.
Lợi ích của cây Vả thể hiện qua giá trị dinh dưỡng từ trái Vả đem lại cho sức khỏe con người.
1. Mô tả cây Vả
Cây vả thuộc cây gỗ vừa có thân và cành to, cây thường xanh nhưng trồng xứ lạnh bị rụng lá vào mùa Đông, lá hình tim gần như tròn có kích thước lớn phiến lá to, gân lá từ đáy có 5-7 gân, lá bẹ cao 2,5 cm.Trái Vả to bẹp rộng đến 4 cm, có lông vàng vàng.
Trái Vả mọc thành chùm trên những cành già hoặc ở gốc thân, trên những nhánh riêng không có lá.Trái Vả có dạng quả sung, tức là một cụm hoa bao gồm hoa đực và hoa cái trên một đế hoa lõm, Khi non trái có vỏ màu xanh lục, có lông mịn, khi chín có màu đỏ thắm.
Ở nước ta, cây Vả thường gặp trên đất ẩm vùng rừng núi, thường thấy ở chân đồi hay thung lũng. Cũng thường được trồng ở các tỉnh miền núi. Cây mọc nhanh, tái sinh chồi mạnh. Các bộ phận của cây có thể thu hái quanh năm.Cây Vả là loài cây không hạt nhưng rất dễ trồng, chỉ một thân cây nhỏ cắm xuống đất cũng có thể mọc rễ và phát triển thành một cây hoàn chỉnh.
2. Dược tính và vị thuốc của trái Vả
Thuốc Nam xem trái Vả có dược tính làm mạnh cho bao tử, phòng chữa bệnh táo bón, kiết lỵ và trĩ, điều hòa trong ruột, lợi tiểu. Rễ và lá có tác dụng giải độc, tiêu thũng.
Vị thuốc trái Vả được chứng minh khi phân tích trong 100 gam trái Vả sấy khô có chứa: protein 3,3 gam, chất béo 0,93 gam, đường 47,92 gam, các vitamin thuộc nhóm B như B1 0,085mg, B2 0,082mg, B3 0,619mg, B5 0,434mg, B6 0,106mg, B9 9µg, PP 0,3mg và C 1,2mg. Tổng lượng vitamin chiếm khoảng 37% trọng lượng trái khô. Một số lượng lớn các chất khoáng và vi lượng chiếm hơn 70%, cao nhất là calcium là 162mg (tỉ lệ 16%), magnesium 68mg (9%), còn lại như phosphor (16%), sodium (14%), sắt (8%), kẽm (6%), đồng, mangan… Ngoài ra trái Vả còn cung cấp nhiều chất ở dạng hợp chất flavonoit và polyphenol, chất nhầy và pectin.
Các nghiên cứu thành phần hoạt chất cho thấy trái Vả rất tốt cho những người ăn kiêng vì nhiều chất xơ (9,8 gam) và ít năng lượng (100 gam khô cho 250kcal).
3. Món ăn từ trái Vả
Trái Vả xanh dùng như rau sạch, có tác dụng nhuận trường, tiêu thực, lợi sữa cho sản phụ. Người ta thường chế biến trái Vả xanh thành nhiều loại như : rau sạch ăn sống (cắt lát mỏng chấm với mắm), làm rau sạch vị chát thành rau ghém trộn cùng với các loại rau khác, hoặc kho với một số thực phẩm… Món gỏi từ trái Vả trộn tôm thịt + mè rang + rau thơm được coi là một trong những món ăn đặc sắc, rất ấn tượng của người Huế. Món ăn này có ích cho những người bị táo bón, ăn uống kém, mỡ trong máu cao, cao huyết áp. Món hầm từ trái vả xanh với sườn heo hoặc móng giò heo rất bổ dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh, có tác dụng lợi sữa, an thần, trợ tiêu hóa.
Trái Vả chín phơi khô rồi chưng với đường trở thành món mứt trái Vả có vị ngon không thua gì mứt trái chà là nước ngoài, rất tốt cho sức khỏe của người già cao tuổi.
4. Lợi ích của cây Vả, trái Vả
– Trái Vả khô chứa các a-xít béo omega-3 và omega-6 cùng với phenol. Đây là những chất giúp ngừa bệnh tim mạch vành.
– Trái Vả cũng là một nguồn cung cấp can-xi, chất giúp củng cố xương.
– Do Vả giàu kali nên giúp điều hòa lượng đường trong máu. Điều này có lợi cho người bệnh tiểu đường. Ngoài ra, những người có chế độ ăn uống chứa sodium có thể bị mất can-xi trong nước tiểu. Hàm lượng kali cao trong trái Vả giúp phòng ngừa hiện tượng này.
– Ăn trái Vả được xem giúp chữa trị hiệu quả chứng viêm họng.
– Theo truyền thống, trái Vả cũng được sử dụng để điều trị chứng suy giảm khả năng tình dục. Việc điều trị này đòi hỏi phải ngâm khoảng 2-3 trái Vả trong sữa qua đêm và ăn vào sáng hôm sau.
– Bởi vì trái Vả chứa sắt, chúng rất hữu ích trong việc điều trị thiếu máu.
– Nghiền nát trái Vả tươi, sau đó bôi lên mặt và để trong vòng từ 10 đến 15 phút. Cách này giúp điều trị mụn trứng cá và mụn nhọt.
– Người ta còn cho rằng ăn trái Vả có thể giảm mệt mỏi, tăng cường sức mạnh trí não. Khi có tuổi, chúng ta dễ mắc chứng thoái hóa điểm vàng – một trong những nguyên nhân gây mù lòa và bị suy giảm thị lực. Ăn trái vả có thể giúp ngăn chặn điều này.
Tổng hợp