Trong những thành tố làm nên bản sắc văn hóa Tây Nguyên thì nhà Rông giữ một vai trò quan trọng. Quan trọng bởi bên cạnh những giá trị vật chất nó là nơi ẩn chứa những tầng văn hóa tâm linh rất bền vững của cư dân Tây Nguyên. Người ta đánh giá sự hùng mạnh trù phú của một làng Tây Nguyên qua kích thước, kết cấu nhà Rông Tây Nguyên. Nhà Rông chỉ gắn với làng, không có nhà Rông cấp tỉnh, cấp huyện hoặc nhà Rông liên làng bởi nó gắn với sinh hoạt và tín ngưỡng của một cộng đồng cư dân nhất định. Xưa kia đã là làng Tây Nguyên, thì phải có nhà Rông.
Nhà Rông là một thiết chế văn hóa tiêu biểu độc đáo có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần và đời sống xã hội và trong tín ngưỡng tâm linh của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nó là một di sản quý cho hôm nay và mai sau. Giữ được nguyên vẹn kiến trúc và kết cấu nhà Rông Tây Nguyên như giữ được “trái tim” của làng nơi cất giữ những huyền thoại trong sử thi cổ cũng là nơi nhen nhóm lửa sáng tạo những “huyền thoại mới” bên cạnh những sử thi lẫy lừng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ giữ được cho mình một đời sống tinh thần phong phú và đa rạng, bắt rễ sâu vào truyền thống nhưng cũng vươn tới những giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển đi lên của xã hội.
Nhà Rông là kiểu thiết kế nhà sàn đặc trưng, lưu giữ những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đây còn là ngôi nhà chung, là nơi tụ họp của dân làng Tây Nguyên khi đến các dịp lễ đặc biệt.
Không chỉ có kiểu kiến trúc độc đáo, nhà Rông Tây Nguyên còn mang những ý nghĩa văn hóa thiêng liêng như: Nơi lưu trữ, thờ cúng những hiện vật có vai trò giống thần bản mệnh của dân làng như hòn đá, con dao, sừng trâu, cồng, chiêng,…Không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng, là nơi tổ chức lễ hội hay các lễ cúng thường niên và không thường niên như cúng mừng lúa mới, cúng lập làng mới, cúng lên nhà Rông, cúng mừng chiến sĩ,…Nơi phân xử các vụ kiện, tranh chấp của dân làng, đồng thời cũng là nơi tiếp đón khách quý đến buôn làng thăm chơi. Nơi gặp gỡ, hẹn hò, tỏ tình và kết tóc se duyên của những nam thanh nữ tú chưa có người yêu.
Theo văn hóa của người Tây Nguyên, nhà Rông xây dựng theo nghi thức trang trọng. Trước khi tiến hàng xây dựng, các già làng sẽ hội tụ lại để bàn bạc và chọn nơi xây dựng. Nơi dựng nhà Rông phải là nơi cao ráo, thoáng mát. Và phải được xây ở trung tâm làng và dễ nhìn thấy từ phía xa.
Kết cấu, thiết kế nhà Rông Tây Nguyên thường không cố định do phụ thuộc vào kiến trúc, sức mạnh cộng đồng,… của mỗi dân tộc. Nhưng sẽ có kích thước cụ thể như: Chiều cao từ mặt đất đến nóc nhà: 8 – 20 m; Chiều dài: khoảng 10 m; Chiều rộng: khoảng 4 m. Điểm đặc biệt khi thiết kế nhà Rông Tây Nguyên là con người không sử dụng bất kì vật liệu hiện đại nào như xi măng, sắt, thép,… mà họ sử dụng những nguyên vật liệu thiên nhiên, có sẵn trong núi rừng như tre, nứa, tranh, lồ ô,… Quy trình tiến hành thi công, xây dựng cũng khác biệt. Họ không có bản vẽ, không có sự tính toán kỹ lưỡng. Công trình này được tiến hành do chính những người dân của núi rừng Tây Nguyên làm tạo hình, rồi xây dựng nên một công trình đặc sắc như vậy.
Từ bề ngoài, mái nhà Rông được thiết kế rất độc đáo. Phần mái mang hình dáng của chiếc rìu, búa hay cánh buồm với kích thước lớn, được định hình bằng những thân cây to chắc chắn và sử dụng lá tranh để lợp mái. Phần đỉnh mái được thiết kế tạo thành hình hoa văn, thể hiện nét văn hóa riêng của từng dân tộc. Khung nhà Rông có nhiệm vụ chống đỡ toàn bộ phần mái nhà và được thiết kế từ 8 chiếc cột lớn. Những chiếc cột này được làm từ gỗ quý, bên trên có chạm trổ, điêu khắc những hoa văn cầu kỳ thể hiện đời sống hàng ngày hoặc sự tích huyền thoại, tôn giáo tín ngưỡng,… của buôn làng. Sàn nhà thường được làm từ ván gỗ, tre, nứa,… Những vật liệu này không được sắp xếp một cách ngẫu nhiên mà xếp chồng lên nhau, trùng khít, tạo thành những hoa văn sinh động.
Cửa chính nhà Rông thường nằm ở phía Đông, cửa phụ sẽ nằm ở bên phải của cửa chính. Phần hiên ở phía trước nhà sẽ là nơi nghỉ chân, hoặc chờ đợi khi có nhiều người đến nhà Rông. Để lên nhà Rông, bạn sẽ phải đi qua một chiếc cầu thang lớn. Phần đầu cầu thang sẽ được thiết kế theo từng dân tộc khác nhau như: Người Ba Na là hình ngọn cây rau dớn. Người Jrai là hình quả bầu đựng nước. Người Xê Đăng Jẻ Triêng là hình núm chiêng hay mũi thuyền.
Và nếu như mái đình miền xuôi gắn liền với hình ảnh cây đa, thì nhà Rông Tây Nguyên có cây nêu. Cây nêu được trang trí nhiều họa tiết, đặt ở phía trước sân chính giữa của ngôi nhà Rông để phục vụ các lễ hội lớn của buôn làng. Theo quan niệm của đồng bào Gia Rai, cây nêu là nơi hội tụ các vị thần linh. Ở từng lễ hội, cây nêu mang một hình ảnh biểu tượng khác nhau như cây nêu trong lễ đâm trâu có 4 nhánh, lễ mừng lúa mới cây nêu chỉ có 1 nhánh…
Về hướng, nhà Rông thường quay về 2 hướng: Hướng Bắc hoặc Nam: để tránh ánh nắng gay gắt, đồng thời đón những cơn gió mát. Hướng Đông hoặc Tây: đón nắng sớm, nắng chiếu, giúp xua tan mùi hôi hám.
Nhà Rông là linh hồn, là sức sống của những con người Tây Nguyên. Vì thế nhà Rông phải đẹp, phải kiên cố thì cuộc sống của người dân mới được ấm no, đủ đầy.